Hotline: 0987 606 979

 
0    
Nâng tầm trải nghiệm sống
Trang chủ » Tư vấn tiêu dùng » Tin tức kinh tế - xã hội

SỒNG ĐƠN GIẢN ĐỂ HẠNH PHÚC HƠN

Thứ Hai, 13/09/2021 | 15:38 GMT+7

Người Nhật vốn nổi tiếng với kiến trúc mộc mạc, tiện dụng và tràn đầy hơi hướng thiền tịnh. Nhưng trong số đó còn nhiều người đi xa hơn nữa: Danshari – hay là tiến tới lối sống tối giản với mục đích cuối cùng là giải phóng bản thân khỏi sự lệ thuộc vào đồ vật. Chữ Danshari bắt nguồn từ ba ký tự kanji – Dan (từ chối), Sha (vứt bỏ), và Ri (tránh xa).

Phong cách này bắt đầu được nói nhiều đến vào khoảng năm 2010-2011 ở Nhật, đặc biệt sau khi thảm hoạ động đất sóng thần đột ngột cướp đi hàng ngàn sinh mạng, khiến nhiều người đặt câu hỏi về ý nghĩa của cuộc sống.

Gần đây hãng Reuters có bài cập nhật về phong trào đang ngày càng có chỗ đứng vững chắc trong xã hội Nhật Bản. "Ít hơn tức là nhiều hơn” giúp cuộc sống trở nên đơn giản, bớt phiền hà khi không phải mất nhiều thời gian cho việc chăm sóc nhà cửa, lau dọn đồ đạc, mua sắm.

Một số người chọn Danshari để, sau khi rũ bỏ vật chất, những điều họ thật sự thích và trân trọng sẽ có cơ hội "hiện lên” trong cuộc đời, chẳng hạn như gặp gỡ giao du với bạn bè hay đi du lịch thay vì mua sắm liên miên và mang về nhà cả những thứ mình không thật sự cần hay thích.

Không chỉ là câu chuyện mua sắm, Danshari chính là cách giải thoát những áp lực vô hình của cuộc sống vật chất hiện đại lên tinh thần và sức sáng tạo của những người trẻ. Danshari, nói khác đi, là cách nói không với sự sùng bái vật chất thái quá đến mức bỏ qua các giá trị sống bền vững.

Làm thế nào để Danshari?

Francine Jay, một người thực hành chủ nghĩa tối giản và là tác giả cuốn Niềm vui ít đồ: Hướng dẫn phong cách tối giản để giảm bừa bộn, giúp tổ chức, và đơn giản hoá cuộc sống đã thu thập một số cách thực hiện Danshari trong hoạt động hàng ngày như sau:

Dan-Từ chối

Jay ví phần này như công việc của một người gác cổng sao cho đồ đạc không được chui vào trong nhà mình, bằng cách:

·  Giảm thiểu mua sắm: chỉ mua những gì thật sự cần thiết, giảm thiểu tác động tới môi trường từ những hành vi tiêu thụ của mình, và giảm thiểu ảnh hưởng lên cuộc sống của những người khác

·  Tìm các món quà thay thế thay vì đi mua quà: trao đổi quà từ những đồ có sẵn, thay vì tặng quà thì tặng một buổi dạo bộ trò chuyện với nhau, yêu cầu tặng đồ từ thiện cho một ai/tổ chức nào đó thay vì nhận quà.

·  Xoá bỏ thư từ rác: Không tuỳ tiện cung cấp thông tin cho các cửa hàng, không đăng ký nhận thư từ các tạp chí online, thanh toán qua mạng càng nhiều càng tốt để tiết kiệm thời gian và giấy tờ, v.v…

·  Từ chối hàng miễn phí nếu mình không thật sự cần đến: một cái bút chỗ này, một gói xà phòng chỗ kia, … nhiều khi tiếc "của” cứ nhặt về rồi lại vứt xó!

Sha-Vứt bỏ

Dưới đây là một số cách Jay chia sẻ để làm sao rũ bỏ được những vật dụng không cần thiết ra khỏi cuộc sống:

·  Mỗi ngày trừ khử ít nhất một đồ vật: một đôi tất lâu lắm rồi không dùng đến, một cuốn sách mua về chẳng buồn mở ra đọc lần nào, một cái áo không vừa nữa,… Thiếu gì thứ để thanh trừng! Vừa có ích cho người khác, vừa đỡ phải dọn dẹp. (Mà rất nhiều món hoàn toàn có thể dùng làm quà tặng được!)

·  Giải phóng tủ quần áo: giữ lại những món đồ bạn hay dùng đến nhất và cho/bỏ đi những món cả năm không sờ đến.

·  Điều chỉnh lại dụng cụ bếp: tương tự như tủ quần áo, hãy xem lại những dụng cụ bếp bạn gần như không dùng đến để cho đi.

Ri-Tránh xa

Phần này liên quan đến việc nuôi dưỡng cảm xúc "thờ ơ” với các vật dụng của mình. Có thể thử những cách sau:

·  Nói lời tạm biệt với chúng

·  Nâng niu quan điểm "vừa đủ”

·  Trân trọng không gian hơn đồ vật

Nguồn Ecopark