Hotline: 0987 606 979

 
0    
Nâng tầm trải nghiệm sống
Trang chủ » Tư vấn tiêu dùng » Tin tức kinh tế - xã hội

HỌC ONLINE HIỆU QUẢ NHƯ TỚI LỚP ?

Thứ Năm, 09/09/2021 | 15:54 GMT+7
Dịch COVID-19 kéo dài khiến nhiều trường phải chuyển sang dạy học online. Không ít học sinh than phiền nhàm chán, buồn ngủ... Tuy nhiên, có thể các em chưa biết học đúng cách. Các em phải chủ động nhập cuộc, thay đổi thói quen học tập thì mới có thể mang lại hiệu quả.
Thứ nhất, học sinh cần thay đổi thói quen về giờ giấc. Trải qua thời gian nghỉ hè, nghỉ dịch dài ngày, nhiều em thay đổi thời gian sinh hoạt, chẳng hạn, thói quen thức khuya, dậy muộn, ngủ nướng. Bây giờ các em hãy tập cho mình thói quen đi ngủ đúng giờ, đảm bảo đủ 8 tiếng, tăng cường các hoạt động thể dục thể thao nâng cao sức khỏe học tập.
Thứ hai, học sinh chuẩn bị đầy đủ dụng cụ, thiết bị học tập, quan trọng nhất là điện thoại thông minh, máy vi tính, máy tính bảng, tai nghe và sách giáo khoa. Nếu chưa có sách, có thể tải file PDF trên mạng Internet, hiện đã có đầy đủ. Tránh trường hợp vào tiết học phải đi lấy cái này cái kia, vừa mất thời gian, vừa bỏ dở bài giảng không đáng có. Các em cần đặt báo thức đầy đủ vào các buổi học để không bị trễ giờ.
Thứ ba, học sinh chủ động đọc bài, soạn bài trước mỗi tiết học, buổi học. Học sinh các cấp phải học hàng chục môn, nhiều phạm vi kiến thức mới chưa được tiếp cận. Vậy nên, các em cần đọc trước các bài mới để nắm những nội dung chính. Sau đó lần lượt trả lời các câu hỏi ở phần hướng dẫn học xem mình hiểu được bao nhiêu. Chuẩn bị bài chu đáo giúp bản thân tiếp thu bài nhanh, hiểu sâu, tạo hứng thú trong học tập.
Thứ tư, học sinh nên ăn mặc tươm tất, gọn gàng để tạo cảm giác như tiết học bình thường trên lớp. Hãy chọn cho mình không gian yên tĩnh suốt buổi học. Chú ý tắt một số tính năng trên thiết bị học tập như Zalo, Facebook, tắt chuông điện thoại, tránh sao nhãng học tập, bỏ lỡ nhiều nội dung của bài giảng. Chưa kể, giáo viên có thể giao bài tập cho tiết học sau, nếu bỏ sót sẽ bị dồn bài, học rất mệt, kém hiệu quả.
Thứ năm, học sinh cần chủ động tương tác trong học tập. Hiện nay, hầu hết các phần mềm dạy học online đều có những tính năng giúp học sinh thảo luận nhóm và trao đổi với giáo viên. Các em hãy nghiêm túc làm bài tập nhóm, trả lời câu hỏi hay thuyết trình khi được giáo viên yêu cầu. Việc làm này giúp tiết học không còn nhàm chán, buồn ngủ, nặng nề. Trong và sau tiết học, nếu chỗ nào chưa hiểu, học sinh có thể nhờ giáo viên giảng lại để nắm bài kĩ hơn.
Thứ sáu, TS Ellie Phương D. Nguyễn (Đại học bang Oklahoma, Stillwater, Mỹ) cho biết, ngay khi vừa nghe xong bài giảng online, học sinh dành khoảng 10-15 phút tóm tắt lại nội dung chính của bài học. Như vậy, học sinh có hai lần ghi nhớ kiến thức, lần thứ nhất nghe giảng và lần thứ 2 là củng cố. Làm được như thế, học sinh sẽ khắc sâu kiến thức bài học, cô động thông tin, dễ hiểu dễ nhớ.
Thứ bảy, học sinh cần tạo nhóm học tập sau thời gian học online. Các em hãy thành lập cho mình một nhóm khoảng vài ba thành viên, dựa trên thói quen, sở thích và cùng mục tiêu chí hướng. Có chuyện gì cần bàn bạc, các thành viên sẽ lên một ứng dụng để thảo luận ngay. Cần lưu ý, học sinh làm việc với nhau, cần tương tác qua lại thường xuyên, phân công công việc, nhiệm vụ rõ ràng, và quy tắc ràng buộc.
Cần nhớ rằng, phương pháp học trực tiếp hay online đều có những ưu khuyết nhất định. Ở đâu cũng có thể học hiệu quả, quan trọng nhất là học sinh phải biết cách tự học. Tự học là kĩ năng tự lập nghiên cứu, tự tìm hiểu thông tin, không lệ thuộc nhiều vào người khác. 
Đặc biệt, trong mùa dịch bệnh COVID-19, học sinh cần phát huy khả năng tự học nhiều hơn nữa. Điều đó sẽ mang lại cho bản thân người học nhớ lâu hơn về kiến thức. Ngoài ra, thuận lợi của việc tự học còn giúp các em linh động trong thời gian học, dễ dàng lựa chọn địa điểm để học, phân chia thời gian học phù hợp với bản thân.
(Theo VTC)